Sức mua smartphone tại Việt Nam giảm mạnh nhất khu vực Đông Nam Á

Nguyễn Linh

Những tháng đầu năm vừa qua, thị trường smartphone Việt đang trải qua ảm đạm chưa từng có.

Thị trường smartphone Việt giảm mạnh

Thông tin trên Zing, theo báo cáo mới nhất của Counterpoint Research, lượng smartphone tiêu thụ trong quý I tại Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam và Malaysia đã giảm trung bình 13% so với cùng kỳ.

Cụ thể, Việt Nam là nước ghi nhận mức sụt giảm cao nhất, lên tới 30%. Tiếp theo đó là Malaysia giảm 29%, Philippines 10%, Indonesia 7% và Thái Lan 1%.

"Thị trường Việt Nam đã nhận được nhiều lô hàng trong quý IV/2022, vì vậy quý I các nhà sản xuất OEM đã giảm sản lượng. Bên cạnh đó, sức chi tiêu của người dùng vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc tại Việt Nam", báo cáo cho biết.

Bên cạnh Việt Nam, cả bốn thị trường chính còn lại ở Đông Nam Á đều chứng kiến doanh số giảm, trong đó Malaysia là 29%, Philippines 10%, Indonesia 7% và Thái Lan 1%. Về số lượng điện thoại, Việt Nam đứng thứ tư, trên Malaysia.

Samsung vẫn là nhà sản xuất có doanh số tốt nhất, chiếm 21% thị phần, sau đó đến Oppo (20%), Vivo (14%), Xiaomi (14%), Realme (12%) và Apple (7%). So với quý đầu năm ngoái, doanh số các hãng đều giảm từ 5% đến 26%, trừ Apple tăng 18%.

Đặc biệt, Counterpoint Research nhận định Việt Nam là thị trường triển vọng của Apple khi các dòng iPhone 13 và iPhone 14 ghi nhận doanh số rất tốt trong quý I.

suc-mua-smartphone-tai-viet-nam-giam-manh-nhat-khu-vuc-dong-nam-a-0-1684805657.jpeg

Apple vẫn là một trong những điểm sáng, với mức tăng trưởng doanh số 18% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt ở các thị trường như Việt Nam, Indonesia. Ảnh minh họa.

Đông Nam Á đang ở giai đoạn hình thành xu hướng phân cấp người dùng rõ rệt

Nhận xét về tình hình kinh tế Đông Nam Á năm 2023, ông Glen Cardoza - nhà phân tích cấp cao của Counterpoint Research cho biết Đông Nam Á đang ở giai đoạn hình thành xu hướng phân cấp người dùng rõ rệt theo chi tiêu.

Cụ thể, nhóm khách hàng đối tượng của các smartphone giá rẻ đang phục hồi nhưng vẫn chưa đạt mức kỳ vọng. Nhóm khách hàng trung cấp đang cẩn trọng hơn trong việc chi tiêu và kéo dài thời gian sử dụng các mẫu smartphone. Trong khi đó, nhóm khách hàng cao cấp gần như không bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế.

"Tệp khách hàng cao cấp vẫn sẽ chọn mua các mẫu smartphone dòng Galaxy S, smartphone màn hình gập và iPhone. Tâm lý người tiêu dùng có thể sẽ cải thiện hơn trong những tháng tới khi các chính phủ đảm bảo rằng quốc gia của họ sẽ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các vấn đề kinh tế vĩ mô toàn cầu", ông Glen Cardoza chia sẻ.

Smartphone giá rẻ được nhiều người Việt Nam lựa chọn

Theo Người Lao Động, thống kê từ Công ty Nghiên cứu thị trường công nghệ và bán lẻ GFK Việt Nam cho thấy doanh số smartphone trên toàn cầu 2 tháng đầu năm chỉ đạt dưới 2,5 triệu chiếc, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ 2022. Hàng năm thị trường này cũng cho thấy có mức tăng trưởng 5%-15%.

Thông tin từ giới kinh doanh ngành hàng bán lẻ công nghệ, tình trạng sụt giảm về doanh số đối với 2 phân khúc smartphone dưới 5 triệu đồng và 5-10 triệu đồng đã được dự đoán trước. Nguyên nhân là kinh tế khó khăn, hàng loạt lao động không có việc làm. Đây là đối tượng chủ yếu tiêu thụ phân khúc điện thoại giá rẻ. Chưa kể lãi suất tăng cao cũng tác động đến việc hỗ trợ khách hàng tiêu dùng mặt hàng này.

Kể từ đầu năm 2023 thị trường smartphone Việt Nam mang không khí ảm đạm. Để khác phục tình trạng này bên cạnh việc giảm giá các đơn vị kinh doanh còn tung ra các chương trình kích cầu, khuyến mãi khác như tặng phụ kiện, voucher mua sắm, gói bảo hành, trừ tiền khi thanh toán online, trả góp lãi suất thấp… để thu hút khách mua.